Lên các xã vùng cao Bắc Yên, từ xã Tà Xùa, Làng Chếu, Xím Vàng đến Hang Chú, nơi đâu cũng thấy cây sơn tra mọc thành rừng, phủ kín những ngọn núi trập trùng. Vào tháng 3 - 4 là mùa sơn tra ra hoa phủ trắng núi rừng, tháng 8-10, bắt đầu vào vụ thu hoạch sơn tra. Những năm gần đây, sản phẩm từ sơn tra đã giúp nhân dân nơi đây xóa đói, giảm nghèo.

Không biết cây sơn tra có từ bao giờ, chỉ biết rằng, loại cây này đã gắn bó mật thiết với nhiều thế hệ của đồng bào dân tộc Mông. Trước đây, người dân thường lấy quả sơn tra giã lấy nước uống, ngâm rượu, làm thuốc và làm thức ăn cho trâu, bò. Bây giờ, sơn tra đang là loại cây giúp người dân thoát nghèo và làm giàu. Ông Sồng A Su, bản Cáo A, xã Làng Chếu, chia sẻ: Gia đình tôi có 5 ha sơn tra, trong đó 2 ha đã cho thu quả. Những năm gần đây, Nhà nước đầu tư xây dựng đường xá thuận tiện nên thương lái từ Hà Nội, Thái Nguyên đến tận vườn thu mua. Năm 2017, gia đình thu khoảng 150 triệu đồng từ sơn tra.

Huyện Bắc Yên hiện có trên 2.200 ha cây sơn tra, trong đó, diện tích tự nhiên gần 400 ha, diện tích trồng 1.800 ha. Với hơn 1.000 ha đã cho thu quả, năm 2017, tổng sản lượng đạt trên 2.000 tấn quả. Năm nay, bắt đầu thu hái quả, dự báo được mùa hơn năm trước, tổng sản lượng ước đạt trên 4.000 tấn quả. Ông Nguyễn Văn Nam, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Để phát triển vùng nguyên liệu tập trung, huyện đã vận dụng nhiều chính sách đầu tư phát triển sản xuất, thâm canh, xây dựng thí điểm các mô hình áp dụng công nghệ cao... Theo đó, huyện đã rà soát, tuyển chọn, khai thác 77 cây giống tốt để áp dụng công nghệ cao trong việc ghép, cải tạo hơn 18 ha cây sơn tra, trồng mới 200 ha cây sơn tra ghép, tập trung chủ yếu tại 5 xã vùng cao Tà Xùa, Làng Chếu, Xím Vàng, Hang Chú, Háng Đồng. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân cách đốn tỉa, thu hái, phòng trừ sâu bệnh và các phương pháp bảo quản kéo dài thời gian lưu quả để tạo vùng nguyên liệu sơn tra tập trung, cho sản phẩm chất lượng phục vụ cho việc chế biến.

Đến thăm rừng sơn tra của các nhóm hộ xã Xím Vàng đúng dịp cán bộ Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện hướng dẫn nhân dân chăm sóc cây sơn tra. Vừa thực hiện theo cán bộ hướng dẫn, ông Mùa A Chù, bản Háng Tâu, xã Xím Vàng chia sẻ: Khác với vùng khác, sơn tra ở đây quả nhỏ, khi chín có màu vàng, 2 má hồng, chua nhẹ, ít chát, thơm, ngon. Tuy nhiên, chính vì quả hay bị sâu đục nên nhân dân thường thu hoạch sớm, bị tư thương ép giá. Chúng tôi làm theo cán bộ hướng dẫn, bước đầu có hiệu quả.

Bên cạnh đó, huyện đã triển khai hỗ trợ Hợp tác xã nông nghiệp Sơn tra Bắc Yên xây dựng vườn ươm cây sơn tra ghép lưu vườn với quy mô 1,4ha, công suất gieo ươm đạt trên 30 vạn cây/năm, phục vụ phát triển vùng nguyên liệu sơn tra trong tỉnh. Thành lập các hợp tác xã ươm giống, trồng, chăm sóc, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm theo chuỗi... Đặc biệt, công ty TNHH Bắc Sơn đã bao tiêu sản phẩm, bảo quản, chế biến các sản phẩm từ quả sơn tra, như: Nước táo Siro, rượu vang Sơn Tra, nước ép... Các sản phẩm đưa ra thị trường có giá trị cạnh tranh cao và được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh lựa chọn. Hiện, huyện đang tích cực tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến tiêu thụ nông sản an toàn do tỉnh tổ chức; tiến hành mời gọi, tạo điều kiện cho Công ty TNHH đặc sản Tây Bắc - TAFOOD trên cơ sở nhận chuyển giao công nghệ của Australia về ép chế biến quả táo sơn tra để chế biến sản xuất thực phẩm chức năng và chế biến trà sơn tra, mứt sơn tra...

Các xã vùng cao Bắc Yên, quanh năm có sương mù bao phủ, thời tiết khắc nghiệt nhưng cây sơn tra vẫn ra hoa, kết trái, mang hương vị đặc trưng, giúp bà con nâng cao thu nhập.

Nguồn : Báo Sơn La