Mùa nhãn ở Mường La thường đến sớm hơn so với những địa phương khác trong toàn tỉnh. Những ngày này, cảm nhận rõ không khí nhộn nhịp, niềm vui của bà con khi thu hái nhãn; những chiếc xe tải lớn, nhỏ đến thu gom, vận chuyển nhãn đi tiêu thụ tại các chợ đầu mối trong cả nước, bán tại các siêu thị và xuất khẩu sang Trung Quốc.
Đến Mường Bú, một trong những xã có diện tích nhãn lớn nhất huyện với hơn 200 ha nhãn, trong đó đã ghép cải tạo hơn 113 ha. Năm nay, toàn xã có gần 90 ha nhãn cho thu hoạch. Ngoài sản xuất hộ gia đình, trên địa bàn xã đã thành lập các HTX trồng cây ăn quả liên kết các hộ dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Điển hình là HTX Hưng Thịnh và HTX Đoàn Kết, áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, liên kết bao tiêu sản phẩm nhãn cho hàng chục hộ dân trên địa bàn xã, góp phần ổn định giá thành và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm nhãn trong vùng.
HTX Đoàn Kết thành lập tháng 9/2017, với 9 thành viên, tổng diện tích sản xuất 36 ha cây ăn quả các loại, trong đó, có 6 ha nhãn ghép. Năm 2018, cùng với thu gom nhãn của các thành viên, HTX đã liên kết nông hộ trong vùng thu mua 15 tấn nhãn đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Tham gia vào liên kết tiêu thụ sản phẩm với HTX Đoàn Kết, HTX Hưng Thịnh, hộ ông Nguyễn Văn Khuê, tiểu khu II, xã Mường Bú đã áp dụng quy trình sản xuất an toàn, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Với hơn 2 ha nhãn trồng và ghép cải tạo từ năm 2013, năm nay năng suất đạt 10 tấn/ha, sản lượng đạt trên 20 tấn. Ngoài cung cấp cho tư thương thu mua, mang đi tiêu thụ ở các tỉnh, thành lân cận, gia đình ông còn cung cấp nhãn cho HTX Đoàn Kết quảng bá, bán tại các siêu thị trên địa bàn Hà Nội và 6 tạ nhãn đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, với giá bán trung bình 13.000 đồng/kg, trừ chi phí, thu lãi trên 200 triệu đồng. Ông Khuê chia sẻ: Gia đình tôi đã áp dụng kỹ thuật, đầu tư thâm canh nhãn theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách; sử dụng phế phẩm nông nghiệp mày ngô, đỗ tương hoặc cá sông ủ ướp, lên men làm phân bón cho cây, đảm bảo chất dinh dưỡng nuôi cây, giảm sâu bệnh hại, năng suất, chất lượng quả được cải thiện rõ rệt. Khi sử dụng phân bón hữu cơ, lưu ý tưới vào những ngày trời mát, ẩm; những ngày trời khô, nóng, tưới vào các buổi chiều và tưới thêm nước với tỷ lệ 2/1. Việc tăng cường sử dụng phân hữu cơ vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, giảm sâu bệnh hại cây.
Toàn huyện Mường La hiện có gần 535 ha nhãn, trong đó khoảng 300 ha đã ghép cải tạo. Vụ nhãn năm nay, 375 ha cho thu hoạch, năng suất đạt từ 7-8 tấn/ha. Nhãn ghép cải tạo cho năng suất cao, 1 ha nhãn ghép cho năng suất gần gấp 2 lần so với nhãn cỏ, trung bình đạt 10 tấn/ha, giá bán bình quân 10.000 đồng/kg, trừ chi phí thu lãi từ 70-80 triệu đồng/ha. Chuẩn bị cho kế hoạch xuất khẩu nông sản năm 2018, huyện đã chỉ đạo Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho các hộ dân là thành viên của HTX, đảm bảo quy trình sản xuất an toàn. Đồng thời, huyện hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX tham gia các hội chợ thương mại, gian hàng nông sản an toàn tại các siêu thị, gian hàng trưng bày nông sản tại thành phố Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) nhằm giới thiệu, quảng bá nông sản địa phương. Đến nay, đã tiêu thụ khoảng 90% sản lượng nhãn của toàn huyện, trong đó, xuất khẩu đường tiểu ngạch sang Trung Quốc và các HTX Hưng Thịnh, HTX Đoàn Kết (Mường Bú) và HTX Xuân Lam (thị trấn Ít Ong) thu mua bán tại các siêu thị trong nước đạt 1.500 tấn, chiếm 50% sản lượng nhãn. Vào mùa thu hoạch nhãn, thị trường lao động ở Mường La sôi động, nhộn nhịp, nhu cầu lao động thời vụ theo ngày tăng cao, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương. Với công lao động theo ngày trung bình 200.000 đồng/ngày, bắt đầu từ tháng 7, trong mùa nhãn, người lao động có thể thu nhập từ 4-6 triệu đồng/tháng.
Không chỉ được tiêu thụ tại địa phương, sản phẩm nhãn Mường La đã có mặt tại các quầy hàng nông sản siêu thị Hà Nội, xuất khẩu sang Trung Quốc, là những tín hiệu đáng mừng đối với hàng hóa nông sản địa phương, mở ra hướng phát triển kinh tế mới, góp phần cải thiện thu nhập, xóa đói, giảm nghèo bền vững ở Mường La.
Nguồn : Báo Sơn La