Nhằm đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cho người nông dân, Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ triển khai mô hình tưới nhỏ giọt cho cây ăn quả trên đất dốc bằng công nghệ Israel tại xã Chiềng Xuân, mô hình không chỉ giúp giảm chi phí, nhân công, mà còn góp phần tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác.

Mặc dù vườn cây ăn quả nằm cạnh dòng suối có nước chảy quanh năm, thế nhưng nhiều năm trước đây, cứ vào mùa khô là gia đình anh Đoàn Mạnh Chiến, bản Suối Quanh, xã Chiềng Xuân luôn đau đầu vì vấn đề nước tưới cho cây. Nghe thì có vẻ phi lý, vì nếu đã có dòng suối ngay cạnh thì chỉ cần cắm máy bơm là có ngay nước để tưới cho cây, nhưng anh Chiến giải thích: Dù có dòng suối chảy quanh năm, nhưng do suối chảy dưới chân đồi, độ chênh lệch giữa mực nước suối với đồi cây ăn quả rất lớn nên việc bơm nước không hề đơn giản, gia đình tôi phải đầu tư hệ thống đường ống nước dài hơn 200m từ suối leo lên tận đỉnh đồi, rồi sau đó dùng máy nổ để vận hành máy bơm nước loại công suất lớn mới đẩy được nước từ suối lên, mỗi lần tưới nước cho cây phải cần đến 2 - 3 ngày mới hoàn thành, tốn rất nhiều công sức và chi phí.

Năm 2017, được sự hỗ trợ từ Hội Nông dân tỉnh và xã Chiềng Xuân, gia đình anh Chiến được lựa chọn để hỗ trợ xây dựng mô hình tưới nhỏ giọt bằng công nghệ Israel cho cây ăn quả, toàn bộ vật tư, thi công, lắp đặt được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ. Hệ thống tưới nhỏ giọt của gia đình anh Chiến gồm có 2 bể lớn, được xây dựng trên điểm cao nhất của vườn cây ăn quả, toàn bộ nước được chứa dự trữ vào bể trước khi đi qua các ống dẫn được điều chỉnh bằng van áp xuất để nhỏ giọt chính xác tại từng gốc cây. Hiện, gia đình anh Chiến có 3 ha trồng các loại cây ăn quả, như: Cam, xoài, bưởi... thì đã có 1 ha được áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt. Phấn khởi khi được áp dụng công nghệ mới cho vườn cây ăn quả, anh Chiến cho biết thêm: Áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho thấy hiệu quả rõ rệt, chi phí giảm, lượng nước được tính toán, cung cấp cho cây vừa đủ, đúng thời điểm nên cây phát triển rất tốt. Gia đình dự định năm 2019 sẽ đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt cho 2 ha cây ăn quả còn lại. Đồng tình quan điểm với anh Chiến, anh Nguyễn Văn Tiến, bản Suối Quanh, cũng được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ hệ thống tưới nhỏ giọt cho vườn cam, tiếp lời: Hiệu quả mô hình tưới nhỏ giọt rất lớn, ngoài việc tiết kiệm chi phí, nguồn nước thì việc bón phân cho cây cũng được thực hiện ngay khi thực hiện tưới nhỏ giọt. Phân bón cũng được tính toán với hàm lượng vừa đủ rồi hòa tan vào nước và chảy theo hệ thống nhỏ giọt đến từng gốc cam. Bây giờ, vườn cam của gia đình tôi mỗi lần bón phân cho cây chỉ cần 1 lao động làm việc trong một ngày chứ không cần cả chục lao động làm việc đến cả tuần như trước kia nữa, lượng nước tưới cho cây chỉ bằng 1/3 so với tưới thông thường, tiết kiệm đủ mọi thứ.

Qua trao đổi với đồng chí Hà Thị Thân, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vân Hồ, được biết: Việc triển khai hỗ trợ mô hình tưới nhỏ giọt bằng công nghệ Israel cho cây ăn quả giúp các hộ nông dân nâng cao hiểu biết về việc xây dựng các mô hình sản xuất, canh tác bền vững, thân thiện với môi trường, tiếp cận với phương pháp tưới ẩm hiện đại, tiết kiệm nguồn nước. Từ hiệu quả của mô hình sẽ góp phần khuyến khích người dân phát triển cây ăn quả trên đất dốc, từng bước đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người nông dân. Mô hình đang trong thời gian theo dõi, đánh giá hiệu quả cụ thể sau thu hoạch. Khi đã kiểm chứng được hiệu quả, huyện sẽ tiến hành nhân rộng đối với các hợp tác xã, trang trại, gia trại trên địa bàn để giúp người nông dân giảm chi phí đầu vào và công lao động, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng trên địa bàn huyện.

Mô hình tưới nhỏ giọt bằng công nghệ Israel không phải là mới và đã được áp dụng cho nhiều loại cây trồng ở các địa phương của tỉnh. Tuy nhiên, đối với các xã còn nhiều khó khăn như Chiềng Xuân của huyện Vân Hồ thì việc đưa công nghệ tưới nhỏ giọt Israel lên đất dốc mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế của người dân, thay đổi tư duy làm nông nghiệp của chính những người nông dân, từng bước hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, thân thiện với môi trường.

Nguồn : Báo Sơn La