Thực hiện công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và phát triển sản xuất nông nghiệp theo lợi thế từng vùng, thời gian qua, huyện Thuận Châu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân tích cực đổi mới tổ chức sản xuất, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng thí điểm nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi. Đến nay, nhiều mô hình có tính khả thi cao, được người dân ủng hộ và triển khai nhân rộng.

Thuận Châu đã quy hoạch thành từng vùng sản xuất như: Cà phê, chè, rau an toàn, cây cao su, hoa quả sạch; quy hoạch bảo vệ phát triển rừng gắn với trồng cây sơn tra, cây sa nhân; nuôi cá lòng hồ, nuôi ba ba gai, nuôi cá hồi... Bằng các nguồn vốn của Trung ương, tỉnh, huyện, các dự án và nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đồng thời căn cứ vào điều kiện tự nhiên của địa phương, huyện đã chỉ đạo các phòng chức năng xây dựng thí điểm thực hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả. Tuyên truyền, vận động người dân đăng ký tham gia các mô hình và hỗ trợ giống, phân bón; mở nhiều đợt tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật tại các xã và cử cán bộ kỹ thuật chuyên môn thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát, tổ chức các cuộc hội thảo “đầu bờ” đánh giá chất lượng hiệu quả của mô hình; thu hút đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong trồng, chế biến, bao tiêu sản phẩm.

Để tạo bước đột phá trong nông nghiệp, từ năm 2008 đến nay, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai thực hiện hơn 300 mô hình kinh tế, quy mô trên 4.000 ha, với tổng kinh phí thực hiện trên 910 tỷ đồng. Theo đó, ngoài việc tiếp tục nhân rộng các mô hình như trồng chè, trồng cỏ phát triển chăn nuôi, trồng mới cây ăn quả (nhãn, xoài), sa nhân, Thuận Châu đã và đang triển khai thêm nhiều mô hình điểm về cây trồng, vật nuôi mới, như: trồng chanh leo; trồng bơ xen cà phê; trồng cam gắn với tưới ẩm theo công nghệ Israel; trồng na Thái. Để hỗ trợ hộ dân thực hiện mô hình, huyện đã thống nhất định mức hỗ trợ một số loại cây trồng gồm: Xoài, nhãn, chanh leo với mức 10 triệu đồng/ha; chè 12 triệu đồng/ha; bơ trồng xen 3 triệu đồng/ha. Đồng thời, hướng dẫn nhân dân ký hợp đồng cung ứng giống, liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp, HTX (chanh leo, chè), bàn giao giống và hướng dẫn, tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây giống cho hộ dân. Đến nay, nông dân trong huyện đã áp dụng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với hơn 1.000 ha cây ăn quả trồng bằng các giống chất lượng cao; hơn 300 ha chè, 17 ha cà phê; 7 ha cây ăn quả, 1 ha cây sa nhân được áp dụng bằng phương pháp tưới nhỏ giọt theo công nghệ Isarel...
Bên cạnh đó, để giải quyết bài toán cung - cầu cho các sản phẩm nông nghiệp, huyện đã kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn; tích cực tuyên truyền, vận động thành lập HTX để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Tính đến nay, toàn huyện đã có 9 tổ hợp tác xã, 29 HTX nông nghiệp, với gần 1.000 thành viên, thu nhập bình quân của các thành viên đạt hơn 30 triệu đồng/người/năm. Một số HTX đã tham gia liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với người dân, áp dụng quy trình sản xuất VietGap trong sản xuất và chế biến như: HTX Bình Thuận, HTX Noong Lào, HTX chanh leo Thuận Châu, HTX trồng rừng sinh thái Huổi Liệp. Đặc biệt, từ năm 2016, huyện đã phối hợp với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc triển khai mô hình trồng chanh leo, liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, giải quyết việc làm cho lao động địa phương ở các xã Phổng Lái, Chiềng Pha, Muổi Nọi, Bon Phặng... Chỉ tính từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã xuất khẩu 428 tấn chanh leo sang thị trường Trung Quốc và Pháp.
Tìm hiểu ở xã Liệp Tè, với mô hình liên kết các hộ dân thành lập HTX nuôi trồng thủy sản Liệp Tè, đã giải quyết được một số khó khăn về nhập con giống, nhập thức ăn cho cá, kỹ thuật chăm sóc và đầu ra của sản phẩm. Anh Quàng Văn Hợp, Giám đốc HTX nuôi trồng thủy sản Liệp Tè (Liệp Tè) cho biết: Việc thành lập HTX giúp các hộ dân nuôi cá lồng liên kết cùng chia sẻ kinh nghiệm, tính toán chọn lựa nuôi giống cá phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Bên cạnh đó, HTX đã thống nhất liên kết giữa các hộ nuôi là thành viên của HTX ký kết hợp đồng lấy con giống tại các cơ sở uy tín, đảm bảo chất lượng. Trong quá trình sản xuất, HTX đã áp dụng đúng quy trình nuôi, đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm và tìm kiếm các thị trường đầu mối liên kết tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, HTX có hơn 200 lồng nuôi các loại cá: Rô phi, trắm cỏ, trắm đen, cá chép, trong đó, 40 lồng cho thu hoạch, sản lượng hằng năm đạt gần 12 tấn cá, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho các thành viên. Ngoài ra, HTX cũng nuôi thử nghiệm các giống cá chất lượng như: Diêu hồng, cá lăng và cá hồi.
Để phát huy hiệu quả các mô hình nông nghiệp trên địa bàn, huyện Thuận Châu sẽ tiếp tục xây dựng mô hình điểm đảm bảo khai thác triệt để tiềm năng, thế mạnh của địa phương; thu hút đầu tư ứng dụng công nghệ cao; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả. Rất mong các ngành chức năng của tỉnh tiếp tục hướng dẫn, giám sát và có sự thống nhất định mức hỗ trợ cây giống thực hiện các mô hình, chương trình, dự án trên địa bàn, tạo thuận lợi trong quá trình triển khai, thực hiện.

Nguồn : Báo Sơn La